Tết nguyên đán đến gần, nhiều bạn trẻ đi làm ở thành phố bày tỏ muốn ở lại và không về ăn tết với 1001 lý do dẫn đến tâm lý 'ngại ăn tết'.
Vị phụ huynh thở dài trong điện thoại khi cậu con trai tuyên bố “năm nay con không về ăn Tết”. Khi hỏi lý do, 9X này chia sẻ: “năm ngoái em về ăn tết hết 70 triệu đồng, nên năm nay em không về nữa đâu”.
Tốn đủ thứ…tiền!?
Tiến Dũng, 27 tuổi, làm marketing cho một nhãn hàng nước có ga, quê Thanh Hoá mới chuyển vào TP.HCM sống được 1 năm nay
Khi mọi người ở cùng nhà rục rịch đặt vé tết từ sớm thì Dũng vẫn chẳng mảy may đoái hoài. Hỏi ra mới biết, cậu đã quyết định ở lại thành phố ăn tết với lý do “tiết kiệm tiền”. “Đi vào TP.HCM để kiếm tiền mà đến tết lại không đủ tiền về?”, chúng tôi ngạc nhiên. “Em có tiền để về, nhưng nếu về thì sẽ rất tốn tiền nên em ở lại để tiết kiệm số tiền đấy”, cậu lý giải.
Tiến Dũng cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm ngoái, cậu đã tiêu hết tất cả… 70 triệu đồng. “Ở quê em không coi chuyện lì xì là vui vẻ, mà đã lì xì phải nhiều. Lúc gặp con nít mà lì xì ít sẽ bị đánh giá, nói vào nói ra là ki bo keo kiệt”, Dũng khẳng định.
Dũng đặt vấn đề, nếu năm nay không về quê, cậu sẽ tiết kiệm được từ 7-10 triệu đồng tiền vé máy bay, số tiền đó coi như để biếu gia đình, còn mình không phải tiêu gì nữa.
Giống như Dũng, Tuấn Đạt, quê Nam Định, nhân viên phát triển nội dung cho công ty công nghệ Q.7, cũng cho hay sẽ ở lại “ăn tết Sài Gòn”. Lý do đưa ra là: “Về quê phải biếu xén các kiểu, rất tốn kém. Hơn nữa năm ngoái về tụ tập bạn bè đi chơi cũng tốn kém. Mua quần áo mùa đông cũng tốn không ít. Ở Sài Gòn cũng không phải mua đồ mới luôn, mặc lại đồ cũ không phải mua ở đâu”.
Hỏi chuyện yêu đương quá nhiều!
Trong khi đó, áp lực chuyện tình cảm, người yêu hay lập gia đình cũng khiến nhiều bạn trẻ… ngại về quê ăn tết.
“Bữa trước, mẹ gọi điện cho mình và nói một giọng điệu rất nghiêm túc: Mẹ đi đám cưới nhiều lắm rồi, bao giờ đến lượt mẹ? Mình đã thẳng thắn đáp: “Nếu mẹ còn tiếp tục chủ đề này thì đừng bao giờ gọi điện cho con nữa”, Thiên Anh, nhân viên truyền thông một công ty ở Q.1, TP.HCM chia sẻ.
Danh Trọng, 26 tuổi, nhân viên ngân hàng, quê Thái Nguyên, thở dài: “Thời gian gần đây, gia đình liên tục hỏi chuyện mình có người yêu chưa? Khi nào lấy vợ? Ai cũng đòi ăn cỗ đến nỗi mình không còn biết lấy lý do gì để trả lời nữa”. Phạm Dự, bạn của Trọng, cũng là nhân viên ngân hàng, bổ sung: “Mình cũng tương tự như vậy. Lúc học xong còn nói công việc ổn định rồi tính tiếp. Giờ đi làm rồi thì bảo chưa tìm được người phù hợp nhưng cũng không làm nguôi ngoai các cụ”.
Trong khi đó, Dự còn từng gặp phải tình huống người dì quyết “đối chất” vụ người yêu với cậu. “Khi mình giải thích giờ có phải muốn cưới là cưới ngay được đâu. Dì nạt: Sao mà không cưới được? Mày bị làm sao mà không nó không cưới”. Nói vậy xong mình chỉ cười chứ không biết làm gì nữa.
“Mình ngại về đúng dịp đông đúc nên về trước hoặc sau, mấy năm trước hết tết tớ mới về”, Thuỳ Linh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng Q.3, TP.HCM nói. “Không về, bố mẹ có phản ứng gì không?”, tôi đặt câu hỏi. Linh trả lời: “Thì nhà mình bảo về trước hoặc sau mà, tại tết hai cụ thường đi du lịch, mình về cũng chẳng có ai”.
Theo Tuổi Trẻ