Dân "đổ xô" mua thực phẩm tích trữ, các siêu thị làm ăn lời lãi ra sao?

Theo Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh trong quý đầu năm của các doanh nghiệp phân phối đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

"Bốc hơi" cả nghìn tỷ đồng nếu dịch kéo dài

Nhìn cảnh chen chúc mua sắm trong các hệ thống siêu thị, không ít người cho rằng đây là các đơn vị “bội thu” trong mùa dịch. Tuy nhiên, số liệu tại các hệ thống bán lẻ gần đây cho thấy họ cũng đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch.



Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống, so với cùng kỳ năm 2019 doanh số bán hàng tăng chậm.

Theo đó, chỉ có nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch; còn lại theo Bộ Công Thương, các nhóm hàng hóa khác giảm.

Theo Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết quý I/2020 tiếp tục giảm.

Cụ thể, tại hệ thống Lotte, doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019;

Tại hệ thống Aeon Việt Nam, doanh thu tháng 1/2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra.

Tại Saigon Co.op, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Đối với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay hầu hết đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%. Mặc dù các sản phẩm thiết yếu và thực phẩm tươi sống có tăng nhưng các nhóm hàng phi thực phẩm doanh thu lại giảm mạnh.

“Nhìn chung các siêu thị đang khó khăn, chỉ tập trung nhập và bán mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, họ cũng phải gồng mình chống dịch bệnh, không có siêu thị nào nói có lãi cả” - vị này cho biết.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I đạt khoảng 1.246 nghìn tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Trong đó, riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong khi đó 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng 8,3%).

Dân trí