Tất cả cửa hàng dịch vụ không thiết yếu ở Hà Nội, trừ xăng dầu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm..., đều phải đóng cửa đến 5/4.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu như trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của thành phố, chiều 25/3. Ông nêu rõ các cửa hàng phục vụ những dịch vụ thiết yếu cho người dân vẫn hoạt động bình thường, còn lại cần tạm thời đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Người dân Hà Nội được khuyến cáo nên ở nhà, không ra ngoài trừ khi phải mua lương thực thực phẩm; khi ra đường phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 - 3 m. Các trường hợp đi từ vùng có dịch về phải tự cách ly tại nhà và khẩn trương báo với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm.
Tất cả các quán bar, karaoke, cafe, nhà hàng, tập gym... dừng hoạt động, bất kể nội hay ngoại thành.
Thành phố sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này.
Lãnh đạo thành phố cho hay, với những trung tâm thương mại, siêu thị được phép mở cửa, Hà Nội đã có hướng dẫn cách phòng, tránh dịch như tổ chức đi một chiều vào, chiều ra; khuyến khích trang bị máy đo thân nhiệt...
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung nói hiện nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn thành phố dư thừa do nhiều nhà hàng, khách sạn, sân bay vắng khách hoặc đóng cửa.
"Thành phố cam kết có đủ lương thực thực phẩm cung cấp cho người dân. Mọi người hoàn toàn yên tâm, không phải tích trữ", ông Chung nhấn mạnh.
Theo Phó giám đốc Sở y tế Hoàng Đức Hạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội đã yêu cầu tạm thời đóng cửa dịch vụ kinh doanh không cần thiết như karaoke, massage, bar, vũ trường, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, sân vận động, các môn thể thao đông người...
Ông Hạnh cho rằng, văn bản chỉ đạo của thành phố đã nói rất rõ và có phần "vân vân". Nhưng một số địa bàn phường, xã khi được hỏi thì cho rằng quán bia không nằm trong dánh sách đóng cửa. Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, việc hiểu như thế chưa đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.
"Vừa qua, có hiện tượng tập trung đông người đi lễ tại phủ Tây Hồ, đây là việc không nên vì có nguy cơ lây nhiễm dịch. Đề nghị các địa phương cần xem xét, quản lý lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố", ông Hạnh nói.
Sáng 26/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các địa phương: TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và nhiều đô thị khác đã đóng cửa các dịch vụ không cần thiết, dừng các hoạt động đông người hết sức quyết liệt, kịp thời.
Thủ tướng cho biết, Bộ Tư pháp đã soạn thảo một số chủ trương, biện pháp trong thời kỳ "tiền khẩn cấp" và đề nghị Thường trực Chính phủ thảo luận về các biện pháp này.
Trước đó chiều 24/3, TP HCM đã ra văn bản yêu cầu toàn bộ cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc... phải dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.
Từ ngày 15/3, chính quyền TP HCM cũng đã yêu cầu toàn bộ 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke; massage, rạp chiếu phim, game online phải đóng cửa.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 148 ca nhiễm nCoV, 17 ca đã bình phục. 26 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 1; 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.
Dân trí